Những thay đổi giữa Scrum Guide 2017 và Scrum Guide 2020

Một điều khá bất ngờ khi mình nói chuyện với một số anh em đang dùng Scrum, có chứng chỉ PSM1 nhưng không biết chuyện Scrum Guide đã có version mới 2020.

Việc Scrum Guide thay đổi mình nghĩ sẽ có nhiều ảnh hưởng đến tất cả mọi người đã, đang và sẽ làm việc với Scrum. Nhân tiện ngày nghỉ lễ Golden Week, mình có ngồi lượm lặt một số thông tin về việc thay đổi của Scrum Guide để chia sẻ lại với mọi người.

Những thay đổi giữa Scrum Guide 2017 và Scrum Guide 2020

Ít tính quy tắc hơn

Qua nhiều năm bổ sung và cải tiến, Scrum Guide trở nên quy tắc hơn so với mục đích ban đầu. Phiên bản Scrum Guide 2020 đưa Scrum trở về là một framework tối giản và hiệu quả bằng cách bỏ đi hoặc làm nhẹ những từ ngữ mang tính quy tắc.

Ví dụ như bỏ đi ba câu hỏi trong Daily Scrum, làm nhẹ ngôn ngữ về các thuộc tính của Product Backlog Item, làm nhẹ ngôn ngữ về việc đưa các items từ Retrospective vào Sprint Backlog, rút ngắn phần huỷ bỏ Sprint vân vân.

One-Team, tập trung vào một sản phẩm

Mục tiêu là để loại bỏ khái niệm team nhỏ (Development Team) nằm bên trong team lớn (Scrum Team) làm dẫn đến cách làm việc “proxy” hoặc “us and them” giữa Product Owner và Dev Team. Chỉ có một Scrum Team duy nhất tập trung vào một mục tiêu chung với ba tập trách nhiệm: Product Owner, Scrum Master và Developers. Scrum Master cũng sẽ chịu trách nhiệm trong việc tạo nên một Increment có giá trị và hữu ích trong từng Sprint như những thành viên khác.

Giới thiệu khái niệm Product Goal

Scrum Guide 2020 giới thiệu khái niệm Product Goal để hướng sự tập trung của Scrum Team vào mục tiêu giá trị lớn hơn, một trạng thái trong tương lai của Product mà chúng ta mong muốn. Mỗi Sprint, Scrum Team có trách nhiệm phải đưa sản phẩm tiến tới gần hơn với Product Goal.

Khởi nguồn của Sprint Goal, Definition of Done và Product Goal

Các Scrum Guide trước mô tả Sprint Goal và Definition of Done mà không thực sự đưa ra định danh. Chúng không thực sự là những Artifacts của Scrum mà là một dạng bổ sung ý nghĩa cho các Artifacts khác.

Với việc thêm vào khái niệm Product Goal, phiên bản Scrum Guide 2020 cũng làm rõ hơn về vấn đề này. Mỗi Artifacts giờ đã bao gồm “những ràng buộc” (commitment).

  • Đối với Product Backlog là Product Goal,
  • Đối với Sprint Backlog là Sprint Goal
  • Và đối với Increment là Definition of Done (không có ngoặc kép).

Chúng tồn tại để mang lại tính minh bạch và tập trung vào quá trình của mỗi Artifacts

Tự-quản (self-manage) hơn là Tự-tổ-chức (self-organizing)

Các Scrum Guide trước nói đến Development Teams như là một đội tự-tổ-chức, chọn ra ai và làm thế nào để thực hiện công việc. Với việc tập trung hơn vào Scrum Team, phiên bản Scrum Guide 2020 nhấn mạnh Scrum Team là một đội tự quản, tự chọn ra ai, làm thế nào và những gì cần thực hiện.

Ba chủ đề trong Sprint Planning

Bổ sung vào các chủ đề “What” và “How” có sẵn, Scrum Guide 2020 nhấn mạnh thêm chủ đề thứ ba, “Why”, liên quan tới Sprint Goal.

Đơn giản hoá toàn bộ ngôn ngữ hướng tới đối tượng rộng hơn

Scrum Guide 2020 chú trọng vào việc loại bỏ những câu chữ dư thừa và phức tạp cũng như xoá bỏ những suy luận từ giới IT còn sót lại (ví dụ như kiểm thử, hệ thống, thiết kế, yêu cầu, v.v…). Scrum Guide giờ chỉ còn ít hơn 13 trang. Có thể hiểu Scrum Guide chứng minh rằng Scrum không chỉ gói gọn trong ngành IT mà có thể sử dụng ở nhiều các lĩnh vực khác nhau.

  • Scrum Guide 2020: đọc online
  • Một người bạn trong Study Group của mình đã tạo 1 file doc compare 1-1: link
  • Một số bài quiz để verify lại xem bạn đã nắm được nội dung của version 2020:

Một số hình ảnh trong blog được lấy từ: The Liberators